10-cam-bay-tan-sinh-vien-de-mac-phai-khi-len-dai-hoc

10 cạm bẫy tân sinh viên dễ mắc phải khi lên đại học

Đa cấp, việc làm thêm, nạn lừa đảo tiền nhà trọ sinh viên, lừa tiền các tân sinh viên… là những cạm bẫy mà sinh viên thường mắc phải. Vậy làm sao để tránh khỏi những cạm bẫy này? Bài viết này sẽ chỉ ra những lưu ý và cách khôn ngoan để tránh rủi ro khi lên đại học.

Đa cấp

Đây là tình trạng khá phổ biến hiện nay. Nếu ai đó nhắn tin cho bạn với nội dung như:

“Chào bạn, mình là … mình đang thực hiện một dự án khởi nghiệp … Và mình đang tìm đối tác cùng làm. Nếu bạn cũng đang tìm kiếm cơ hội để khởi nghiệp, hướng đến sự tự do tài chính, tự do thời gian cùng giá trị giúp đỡ người khác thì mình có thể trao đổi về ý tưởng này nhé…”

Đây 99,9% là đa cấp. Nếu có người giới thiệu bạn đến nghe hội thảo của những “doanh nhân thành đạt” bên công ty họ thì cũng thuộc dạng đa cấp. Tốt nhất, khi thấy những tin nhắn như vậy, bạn nên từ chối ngay để tránh bị lừa và mất tiền.

Việc làm thêm

Những công việc dán ở cột điện hoặc những việc nhẹ lương cao trên Facebook như bán bột trà xanh, làm tại Fahasa, CGV… thường là lừa đảo. Các bạn nên tham gia các group báo cáo lừa đảo việc làm để hỏi địa chỉ xem có phải lừa đảo không trước khi đăng ký.

Thông thường, các công ty lớn tuyển nhân viên trên trang web chính thức của họ, không dán thông báo ở cột điện hoặc đăng trên mạng với mức lương cao. Hãy nhớ, không có công việc nào nhẹ nhàng mà lương cao.

Lừa đảo tiền nhà trọ

Nếu thấy giấy thuê nhà trọ dán trên cột điện, đừng vội tin vì đa số là lừa đảo. Bạn có thể bị yêu cầu đóng cọc mà không có nhà để ở. Để tìm nhà trọ an toàn:

1. Tìm hiểu kỹ trước:

– Trao đổi thông tin cụ thể với chủ nhà.

– Hỏi rõ về chủ nhà.

– Hỏi về các phí ngoài phí cơ bản.

– Kiểm tra xem có đồng hồ điện nước riêng không.

2. Giấy đặt cọc:

– Ghi đầy đủ và chi tiết các thông tin về mức phí và giá cả.

– Có đầy đủ chữ ký của cả hai bên.

– Chỉ đưa 50% tiền đặt cọc theo giá bên nhà trọ đưa ra.

3. Ký hợp đồng:

– Đọc kỹ các điều khoản để tránh mất tiền oan.

Hãy cẩn thận và thận trọng trong việc tìm nhà trọ để tránh rơi vào bẫy lừa đảo.

Học tiếng Anh trung tâm

Tốt nhất, các bạn nên đến những trung tâm uy tín, có danh tiếng để học, thay vì các trung tâm được giới thiệu trước cổng trường hoặc trung tâm giá rẻ. Phần lớn những trung tâm này chỉ nhằm mục đích lừa tiền của bạn, và sau khi đóng tiền, bạn sẽ không học được gì đáng giá.

Tăm xỉa răng tình thương (tăm tặc)

Nhiều bạn nhẹ dạ cả tin, cứ thấy ai làm việc thiện là sẵn lòng giúp đỡ. Lợi dụng tâm lý này, bọn lừa đảo đã nghĩ ra chiêu trò bán tăm từ thiện. Nếu nói từ chối thì hơi khó, mà bỏ tiền ra mua thì mất oan. Tốt nhất, khi thấy họ, các bạn cứ lướt qua không bày tỏ cảm xúc. Nếu bị ép mua, hãy nói giới thiệu bán cho bác công an gần nhà, họ sẽ tự động tránh xa bạn (kinh nghiệm xương máu).

Đi xe bus

Nếu muốn đi đâu bằng xe bus, các bạn nên tải app Bus Map. Khi lên xe, luôn nhớ đeo balo đằng trước và cất tiền, điện thoại ở ngăn khó mở nhất vì hiện nay, tình trạng móc túi trên xe bus rất phổ biến.

Bị người lạ mặt nhận làm người thân

Đây là một trong những thủ đoạn bắt cóc tinh vi nhất. Khi gặp tình huống này, bạn nên bình tĩnh và hỏi to: “Tên họ, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nhà của bố là gì?” Hãy nói thật to. Bọn bắt cóc sẽ lúng túng và lúc đó bạn hãy la lên để mọi người biết và giúp đỡ.

Hỏi đường, nhờ mở dùm điện thoại

Nếu ai nhờ bạn mở hay sửa điện thoại, hãy nói: “Ghé vào tiệm điện thoại nhé, tôi không phải dân kỹ thuật” rồi rời đi nhanh chóng. Trong điện thoại có thể có thuốc mê, hít phải sẽ nguy hiểm. Nếu ai hỏi đường, giữ khoảng cách, không lại gần và không bỏ khẩu trang. Nếu họ sờ vào mũi và nói có bụi, bạn có thể bị ngấm thuốc mê. Đây là những thủ đoạn bắt cóc phổ biến nhằm vào sinh viên.

Đứa trẻ lạc nhờ dẫn đường

Nếu gặp một đứa trẻ lạc nhờ dẫn đường, hãy dẫn nó đến đồn công an hoặc gọi công an đến giúp. Đừng tự mình dẫn trẻ đến địa chỉ ghi trên giấy hoặc chỉ định, vì đó có thể là bẫy bắt cóc. Một khi đã vào bẫy, dù la hét cũng khó có ai đến cứu. Hãy để công an lo liệu, và bạn có thể tiếp tục công việc của mình vì trách nhiệm của bạn đã hoàn thành.

Mất ví tiền, xin tiền đi xe bus

Cái này hơi căng, chả biết thật hay không nhưng đa số là lừa đấy. Bọn này thường đeo khẩu trang để xin tiền, ngày nào cũng nói bị mất ví. Cho hay không tùy bạn.

Trên đây là 10 lưu ý cho sinh viên khi lên đại học. Khi thoát khỏi vòng tay của bố mẹ cũng là lúc các bạn phải đương đầu với những cạm bẫy của xã hội. Nên nhớ, phải có kiến thức và biết cảnh giác thì mới có thể sống sót trong xã hội khắc nghiệt này.

Cám ơn các bạn đã đọc bài viết của mình. Nếu còn gì thiếu, các bạn comment bên dưới giúp mình nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *